TTCT - * Tôi yêu một phụ nữ và muốn tiến tới hôn nhân với người đó, nhưng người yêu của tôi nhiễm HIV. Liệu chúng tôi có thể chung sống với nhau mà không nguy hiểm cho tôi và con tôi? H.H.V. (Biên Hòa, Đồng Nai) - BS Nguyễn Thành Tâm: Trái tim thường có những lý lẽ mà lý trí không thể nào hiểu được. Vì thế sẽ chẳng có gì lạ nếu ai đó đem lòng yêu một người nhiễm HIV và thậm chí còn muốn tiến tới lập gia đình. Với thành tựu y khoa ngày nay, một đôi uyên ương như thế có thể được bảo vệ sức khỏe tốt và đạt được hạnh phúc về sau. Tất nhiên, đôi bạn phải tuân thủ nghiêm túc một số nguyên tắc cơ bản để dấn thân vào một cuộc chinh phục tương lai không dễ dàng và cũng rất “định mệnh” này. Tránh các loại dịch Trước hết, phải biết chắc chắn có nhiễm HIV hay không bằng cách hai người cùng đi xét nghiệm. Sự chân thật tuy có thể khó thực hiện lúc khởi đầu nhưng rất quan trọng để làm mốc cho những kế hoạch về sau. Chú ý rằng xét nghiệm có thể âm tính trong vòng ba tháng sau khi mới nhiễm bệnh. Luôn luôn sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục. Khi được sử dụng mỗi lần quan hệ tình dục và dùng đúng cách, bao cao su rất hiệu quả trong phòng ngừa lây bệnh. Trong hoạt động hằng ngày, tránh tiếp xúc với các loại dịch cơ thể như máu, tinh dịch, dịch âm đạo, sữa mẹ và bất kỳ loại dịch nào của cơ thể mà có dính máu của người bệnh. Các loại dịch này chứa siêu vi và có thể gây nhiễm bệnh. Người nữ nhiễm HIV không nên cho con bú. Khi hôn cũng phải có “nghệ thuật”, hôn khi miệng đóng thì không sao, nhưng hôn sâu (miệng mở, môi lưỡi chạm nhau, thường được gọi là French kiss) thì có thể có nguy cơ nhiễm bệnh nếu người bệnh đang có nhiễm trùng nướu răng hay chảy máu trong miệng. Những tiếp xúc hằng ngày như ôm nhau, nắm tay, đụng da, dùng chung toilet đều không gây lây nhiễm. Chọn những phương thức quan hệ tình dục ít nguy cơ, trong đó quan hệ bằng đường miệng ít nguy cơ hơn đường âm đạo và hậu môn. Quan hệ đường hậu môn mang nguy cơ lây HIV cao nhất, tuy nhiên nếu “phải thực hiện” thì sẽ ít nguy cơ hơn nếu người nhiễm bệnh ở vị trí “đón nhận”, còn người không nhiễm bệnh đóng vai trò “đưa vào”. Quan hệ đường miệng thường ít hoặc không có nguy cơ. Thường nguy cơ tăng lên khi có xuất tinh trong miệng, tuy nhiên vẫn có thể giảm nguy cơ này bằng cách tạo ra một màng chắn giữa miệng và bộ phận sinh dục như dùng bao cao su hoặc một miếng chắn cao su tự nhiên. Thuốc rất hiệu quả Người nhiễm bệnh phải luôn luôn duy trì liên tục chế độ điều trị kháng siêu vi HIV. Nếu việc điều trị được tiến hành đúng và đều đặn, kết quả có thể tốt đến mức nồng độ siêu vi trong máu giảm thấp đến nỗi không đo được. Điều này không những làm giảm rất đáng kể nguy cơ lây bệnh cho bạn tình mà còn bảo vệ được sức khỏe bệnh nhân. Người không nhiễm bệnh có thể dùng chế độ thuốc phòng ngừa bằng cách dùng thuốc mỗi ngày. Chế độ này gồm hai loại thuốc, vốn cũng thuộc nhóm thuốc điều trị HIV. Cùng với bao cao su, đây là một biện pháp rất hiệu quả làm giảm bị lây HIV nếu được dùng hằng ngày. Cách này được khuyến cáo cho những người không nhiễm HIV nhưng đang có nguy cơ cao bị nhiễm HIV (có bạn tình HIV dương tính là loại nguy cơ cao). Bạn có thể hỏi thăm bác sĩ chuyên khoa nếu như quan tâm vấn đề sử dụng chế độ thuốc phòng ngừa này. Nên nhớ, càng nhiều bạn tình càng tăng khả năng bạn “dính” phải người nhiễm HIV mà nồng độ siêu vi trong máu không được kiểm soát và vì vậy dễ bị lây bệnh hơn. Liệu đôi lứa có thể có con không? Câu trả lời là được, và cả hai phải tuân theo một quy trình nghiêm túc. Nếu người mang HIV là nữ, nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi được giảm rất thấp nếu người mẹ đang được điều trị thuốc kháng siêu vi đúng đắn. Khi đứng trước kế hoạch có em bé, người nữ nên cho bác sĩ điều trị biết sớm để thảo luận về tình trạng siêu vi trong máu, sự thích hợp của việc có con và việc dùng thụ tinh nhân tạo để thụ thai. Tinh trùng có thể lấy từ người nam (hoặc người hiến) để đưa vào người nữ, tất nhiên không có nguy cơ gì cho người nam cả. Ngược lại, nếu người nhiễm bệnh là nam thì tinh trùng cần phải được rửa sạch, và kiểm tra có nhiễm HIV không trước khi đưa vào cơ thể người nữ. Tags: Lá thư bác sĩ
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Làn khói đen ở Nhà nguyện Sistine, chưa có Giáo hoàng mới UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Sau lần bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng đầu tiên, làn khói đen vừa xuất hiện tại ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine vào lúc 21h tối 7-5 (tức 2h sáng 8-5 theo giờ Việt Nam).
Chủ tịch Quốc hội: Ai là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND cấp xã, bố trí cán bộ là việc khó THÀNH CHUNG 07/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính thì dễ, nhưng việc chọn, bố trí cán bộ mới khó.
Mật nghị hồng y 2025 bắt đầu: Lời thề thinh lặng trong nhà nguyện Sistine UYÊN PHƯƠNG 07/05/2025 16h30 chiều 7-5 (21h30 giờ Việt Nam), 133 vị hồng y cử tri chính thức bước vào mật nghị hồng y năm 2025, bầu chọn ra Giáo hoàng.
Khởi tố vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở Vĩnh Long tử vong CHÍ HẠNH 07/05/2025 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở huyện Trà Ôn tử vong.