Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác...

ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 08:05 GMT+7

TTCT - Trò chuyện với Kim Nguyen Baraldi - tiểu luận gia, nhà phê bình văn học người Bỉ gốc Việt, tác giả cuốn sách Por qué Georges Perec (La uÑa RoTa, Tây Ban Nha, 2024).

Kim Nguyen Baraldi là một tiểu luận gia, nhà phê bình văn học người Bỉ gốc Việt, tác giả cuốn sách Por qué Georges Perec (La uÑa RoTa, Tây Ban Nha, 2024). Các bài tiểu luận của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí văn hóa và văn học tại Tây Ban Nha và khu vực Mỹ Latin. Ông giảng dạy các khóa học văn học và từ năm 2011 đã điều hành trang web văn học Calle del Orco.

Cuộc trò chuyện dưới đây được thực hiện nhân dịp ông được mời sang Việt Nam trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu năm 2025 với chủ đề "Những tiếng nói văn học di dân châu Âu" nơi ông chia sẻ về hành trình đọc và quan niệm độc đáo về phê bình văn học.

đọc sách  - Ảnh 1.

Trước khi trở thành một người viết tiểu luận, anh đã là một người đọc nhiệt thành, anh nói về trải nghiệm đọc của mình được không?

Đọc sách có vị trí trung tâm trong đời tôi. Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác. Tôi thường đọc nhiều sách cùng lúc; không phải vì tôi hấp tấp mà vì mỗi cuốn cho tôi một điều khác biệt. 

Tôi thích tiểu thuyết theo truyền thống chủ nghĩa hiện đại, những tiểu thuyết tìm kiếm những cách mới để kể về thế giới. Georges Perec chắc chắn là nhà văn quan trọng nhất với tôi, và đó là lý do tại sao tôi dành cuốn sách đầu tiên của mình cho ông.

Tôi cũng đọc nhiều tiểu luận văn học và đặc biệt quan tâm đến những bài có cảm xúc xuyên suốt trong lời kể. Ví dụ, tiểu luận của Virginia Woolf, Robert Louis Stevenson hoặc Milan Kundera. 

Tôi cũng mê thư từ qua lại và phỏng vấn các nhà văn lớn. Nhưng tôi thích nhất nhật ký, nơi ghi lại những suy nghĩ bất chợt, ghi chú khi đọc, hồi ức, trích dẫn, truyện kể, bút chiến, mô tả về nơi chốn và con người.

Anh làm một trang web văn chương từ năm 2011 mang tên Calle Del Orco, nghĩa là "phố quỷ" hay "phố địa ngục" nơi anh sưu tầm vô vàn những câu trích dẫn về văn chương. Anh lấy cảm hứng từ đâu?

Calle del Orco là dịch tiếng Tây Ban Nha của Rue de l'Ourcq, một con phố ở Paris nơi tôi đã sống những năm tháng dữ dội và cuồng điên. Tôi thường nghĩ rằng trong tâm trí, tôi vẫn sống trên con phố đó.

Trên Calle del Orco, tôi thu thập những đoạn văn các nhà văn lớn nói về các nhà văn khác, những cuốn sách họ thích, cách đọc và viết của họ, những nỗi niềm thầm kín của họ. Ví dụ, ta có thể bắt gặp James Joyce suy ngẫm về tính hiện đại của Dostoevsky, Paul Auster xúc động trước sự dịu dàng ẩn chứa trong tác phẩm của Georges Perec, Susan Sontag viết thư đầy cảm xúc cho Borges, hay Kafka mơ về Flaubert.

Những đoạn trích đó, tôi lẩy ra sau nhiều năm đọc sách, khám phá các thư viện và hiệu sách cũ. Tôi thường tìm thấy những câu hay của các nhà văn lớn trong những văn bản hay bị bỏ quên: trong thư, nhật ký, bài phát biểu, bài giảng, lời nói đầu... Chính ở những nơi này, sự thật sâu sắc nhất hé lộ rõ ràng nhất.

Với tôi, tất cả những đoạn văn này đều là những khoảnh khắc hiếm hoi lúc tia chớp lóe sáng trên bầu trời. Mặt khác, đối với tôi, sự đọc sâu những đoạn văn này thật giống như học đại học đúng nghĩa. Tôi thích nghĩ rằng Calle del Orco là tấm gương phản chiếu hành trình đọc sách của tôi và những câu hỏi đã theo tôi suốt thời gian qua.

Việc "biên soạn" này là một hình thức sáng tạo riêng, hay một cách đọc sâu theo kiểu của anh?

Thực ra, việc tập hợp những văn bản này đối với tôi đã là một tác phẩm đúng nghĩa. Một tác phẩm đang được hoàn thiện, một tác phẩm đang chuyển động và ngày càng phong phú hơn theo thời gian. 

Hơn nữa, đây là một tác phẩm có nhiều điểm tương đồng với những tác phẩm trước đó: Buch der Freunde của Hugo von Hofmannsthal hay Les Idées des autres của Simon Leys chẳng hạn. Những cuốn sách cũng được nuôi dưỡng bằng các trích dẫn và sự mạch lạc nội tại của chúng không đến từ một lập luận, mà từ tính cách và sở thích của người soạn chúng. Những cuốn sách vô tình lại vẽ nên bức chân dung gián tiếp của tác giả.

Tôi rất thích khả năng tạo ra một tác phẩm mang tính cá nhân sâu sắc mà không cần giọng nói của riêng tôi xuất hiện, mà được xây dựng bằng giọng của người khác. Tôi tin rằng những gì thực sự chạm đến chúng ta thường đến từ bên ngoài, được vay mượn. 

Và trích dẫn - hành động đưa những từ ngữ xa lạ của người khác vào cuộc sống của chúng ta - với tôi, có vẻ là một trong những hình thức biết ơn đẹp đẽ nhất.

Anh từng nhắc đến "phê bình học" và cảm giác không thỏa mãn khi còn học ở Sorbonne. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về trải nghiệm "càng đọc sách phê bình chuyên sâu, càng thấy xa rời văn học" này không?

Việc học văn của tôi không được như mong đợi. Tôi vẫn thường tự hỏi, 20 năm sau, rằng tự khi nào trường đại học quyết định "gây mê" niềm vui đọc sách. Tôi tin rằng một số phê bình học thuật dường như hoàn toàn xa lạ với trải nghiệm đọc. 

Cuốn sách giống như tử thi đang được khám nghiệm trong một căn phòng lạnh lẽo và vô trùng, trong khi trải nghiệm của người đọc - cuộc sống biến đổi sau khi gặp gỡ với văn bản này - hoàn toàn bị lãng quên. 

Sự ngắt kết nối này, sự xa cách giữa sách và cuộc sống - trong khi sách chính là cuộc sống - khiến người học không thực sự hiểu được ý nghĩa của những gì mình đang làm và không nhớ được lý do tại sao mình từng quyết định cống hiến hết mình cho những gì mình yêu thích đến vậy.

Trái với phê bình học thuật, nhà văn viết phê bình lấy trọng tâm là trải nghiệm đọc. Khi một nhà văn đánh giá một cuốn sách, anh ta không chỉ phân tích nó, anh ta còn chỉ ra khoảnh khắc mà anh ta trải nghiệm sự bừng sáng đó. 

Ví dụ, ta biết Gabriel García Márquez hiểu Macondo tan rã trong lúc đọc một câu trong Bà Dalloway của Virginia Woolf. Rồi ta cũng biết ông đọc câu đó khi đang xua muỗi và choáng váng vì cái nóng trong một phòng khách sạn nhỏ, hồi ông còn bán bách khoa thư và sách y khoa ở Guajira, Colombia. Có thể bước vào câu chuyện đó, đồng cảm với chàng trai trẻ Márquez, chính là cái duy trì ngọn lửa văn chương.

Trong những năm đại học, tôi đã quên rằng một cuốn sách có thể khiến chúng ta hét lên vì sung sướng hoặc run rẩy vì khao khát. Tôi biết tôi nói nghe có vẻ kịch tính, nhưng sự thực là vậy. 

Từ đó, tôi thích nhắc lại câu nói tuyệt vời này của Borges: 'Tôi tin rằng người ta chỉ có thể dạy tình yêu dành cho một thứ gì đó. Tôi không dạy văn học Anh, tôi dạy tình yêu cho văn học Anh".

đọc sách  - Ảnh 2.

Vậy theo anh, phê bình văn học nên phục vụ ai?

Theo tôi, phê bình văn học trước hết phục vụ cho chính người viết ra nó. Bởi vì khi viết, ngay cả khi không chủ đích, người ta vẫn luôn tìm kiếm một điều gì đó: đó là nắm bắt một chân lý nào đó, dù chân lý ấy mong manh hay bất ổn đến đâu. Đó là giải mã chính mình. Bài phê bình nào có sức sống, đó là vì nhà phê bình đã để lại một phần bản thân họ trong đó, đã bộc lộ một phần bản chất của họ.

Nhưng tôi cũng tin rằng phê bình còn phải có ích cho người đọc. Và đó là lý do vì sao phê bình không thể - và không nên - làm độc giả chán: như thế là thảm họa. Một bài phê bình hay không chỉ làm sáng tỏ tác phẩm mà còn khơi dậy mong muốn đọc tác phẩm đó. Để người đọc ở ngưỡng cửa của cuốn sách, để chính họ mở cửa và tự rút ra kết luận cho riêng mình.

Thời gian học phê bình ở Sorbone, anh viết một ghi chú, rằng: "Mục tiêu: Đọc như một nhà văn". Việc "đọc như một nhà văn" này khác thế nào với "đọc như một nhà phê bình" hay "đọc như một độc giả thông thường"?

Ricardo Piglia, nhà văn người Argentina, đã phân tích khác biệt giữa các phương thức đọc. Piglia nêu bật một số đặc điểm riêng của sự đọc và phê bình của các nhà văn. Đầu tiên, Piglia nhấn mạnh bản chất bên lề của phê bình loại này: đây là những can thiệp cụ thể, nhiều khi rời rạc, nhưng lại có tác dụng soi sáng đáng chú ý.

Thứ hai, nhà văn viết phê bình thì rõ ràng và trôi chảy, ngôn ngữ thông thường và không có thuật ngữ chuyên môn, khiến bài phê bình dễ hiểu và trực tiếp. Các nhà văn có xu hướng quan tâm đến cấu trúc tác phẩm hơn là cách diễn giải tác phẩm: họ quan tâm sách được viết ra thế nào hơn là cuốn sách đó có ý nghĩa gì. 

Nhà phê bình học thuật thường tiếp cận văn học từ kiến thức bên ngoài - ngôn ngữ học, phân tâm học, xã hội học, còn nhà văn lại bắt đầu từ chính văn học và biến nó thành phòng thí nghiệm riêng của họ.

Một đặc điểm cơ bản khác là nhà văn viết phê bình luôn chủ quan và có chiến lược: khi bình luận về người khác, họ tái tạo lịch sử văn học theo hình ảnh của riêng họ, dệt nên những mạng lưới đồng minh hoặc đối địch, và bảo vệ thi pháp cá nhân. 

Như Milan Kundera viết: "Khi một nghệ sĩ nói về kẻ khác, anh ta luôn nói - huỵch toẹt hoặc vòng vo - về chính mình". Tôi nghĩ các nhà văn là những độc giả dũng cảm hơn - hoặc liều lĩnh hơn -: có khả năng đưa ra những "cách đọc tệ hại", lệch lạc hoặc mang tính cá nhân, nhưng cuối cùng lại mang lại nhiều thành quả sâu sắc. Những cách đọc không trung thành và phiến diện này thường mở ra những con đường mới.

Nhiều nhà văn gốc Việt hoặc hải ngoại thường đi sâu khám phá căn tính, nguồn gốc trong tác phẩm của họ. Văn chương của anh dường như lại hướng nhiều hơn đến đối thoại với văn học châu Âu và thế giới. Anh có thể chia sẻ về lựa chọn hoặc khuynh hướng này trong việc viết và đọc của mình không?

Tôi sinh ra ở Bruxelles, đi học ở Bruxelles và Barcelona, rồi học đại học ở Paris; tôi đắm chìm trong truyền thống văn học châu Âu. Tuy nhiên, tôi thực sự rất quan tâm gốc gác Việt Nam của mình. Khi viết truyện, tôi có xu hướng tạo tình huống liên quan đến Việt Nam. 

Tôi nghĩ trong tôi có một tiếng gọi nhẹ nhàng nhưng da diết kết nối tôi với nguồn gốc đó. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận ra một dấu ấn, một sự khác biệt định hình tôi, và là một phần thiết yếu tạo nên con người tôi. Tôi tiếc vì không học tiếng Việt từ bé. Có lẽ vài năm nữa, khi con gái tôi lớn hơn, tôi sẽ có thời gian để học tiếng Việt.

Anh có nghĩ rằng việc đọc sâu và rộng nhiều văn bản từ các nền văn hóa khác nhau vừa ảnh hưởng đến việc viết mà còn định hình cách anh trải nghiệm và nhìn nhận cuộc sống thường ngày ở Barcelona, hay ở bất cứ đâu không? Văn chương có phải là một lăng kính để anh nhìn thế giới?

Tôi cho rằng tự bó mình vào một nền văn hóa, một truyền thống văn học duy nhất là sai lầm lớn. Quan trọng là phải đọc rộng và trân quý một Weltliteratur - nền văn học thế giới, như Goethe đề xuất - một nền văn học vượt qua biên giới và ngôn ngữ. 

Mỗi cuộc đời, mỗi nền văn hóa đều có vũ trụ quan riêng. Và khi ta có thể kết hợp càng nhiều quan điểm thì tầm nhìn của ta sẽ càng phong phú và hiểu biết của ta về thế giới sẽ càng sâu sắc. Chuyến thăm Việt Nam của tôi đã thôi thúc tôi dấn thân vào đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Việc sống và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ ảnh hưởng thế nào đến cách anh đọc, và cách anh kết nối các ý tưởng văn chương?

Đọc và viết bằng nhiều ngôn ngữ đã và vẫn sẽ là suối nguồn vô tận làm phong phú đời sống tôi. Hài hước là tôi cảm thấy mình lúc nào cũng mắc lỗi: dùng từ tiếng Pháp trong tiếng Tây Ban Nha, dùng từ tiếng Tây Ban Nha trong tiếng Pháp hoặc tiếng Catalan... lúc nào cũng cảm thấy mình như kẻ mạo danh.

Nhưng rồi nhiều năm qua, tôi bắt đầu nhận ra đọc và viết bằng nhiều ngôn ngữ rất có giá trị. Việc này buộc bạn phải cảnh giác, kiểm tra từng từ, chú ý đến những sắc thái. Bạn nhận thức rõ hơn khác biệt giữa các ngôn ngữ: những từ có trong ngôn ngữ này nhưng không có trong ngôn ngữ khác, và cách nhìn thế giới trong mỗi ngôn ngữ.

Trong thời đại mà thông tin tràn ngập, theo anh, vai trò của người đọc và người viết tiểu luận - phê bình là gì trong việc giúp chúng ta định vị bản thân giữa biển văn bản đó? Làm sao để việc đọc là một hành động kiến tạo ý nghĩa, tạo ra kết nối cá nhân?

Tôi tin có nhiều tạp chí và blog hay, cũng như podcast có giá trị, ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng ngoài các kênh truyền thông, tôi tin rằng, giống như mọi thời đại, chỉ có một cách đọc đúng đắn: đọc vì nhu cầu. Đọc như Robinson Crusoe trên đảo hoang. Đọc như thể cuộc sống phụ thuộc vào nó vậy. 

Và đọc vậy không hề dễ. Hầu hết mọi người không đọc, họ nghĩ là họ đọc. Họ ngó nghiêng xung quanh nhìn người khác để biết liệu một cuốn sách có hay không. Đôi khi tôi cũng xếp mình vào nhóm này.

Chìa khóa để đọc tốt là tin vào cảm nhận của mình và luôn đọc dựa trên cảm nhận đó. "Cơ thể nói sự thật", J. M. Coetzee viết. Sự trung thực của người đọc chính xác nằm ở chỗ: khi đưa cơ thể trở lại vị trí trung tâm của việc đọc. Khi lắng nghe những gì chúng ta cảm thấy - không phải những gì chúng ta nghĩ mình nên cảm thấy - khi bước vào văn bản. Khi để ý. Bởi vì để ý có lẽ là phẩm chất thiết yếu của một người đọc giỏi. 

Hãy để ý đến những gì đang diễn ra bên trong bạn. Để không bị nhầm lẫn, để không giả vờ, để không đọc theo cách của người khác. Bởi vì, như Kafka viết: "Một cuốn sách nên là nhát rìu phá vỡ biển băng bên trong ta".

Xin cảm ơn anh.

Anh viết cuốn sách có tên Tại sao Perec với 237 lý do tại sao ta nên đọc Georges Perec. Anh đọc Perec lần đầu tiên ở đâu và như thế nào?

Hồi tôi 19 tuổi, đang sống ở Paris, một giáo sư văn học xuất sắc đã bảo tôi: "Đọc La vie mode d'emploi (Cuộc sống hướng dẫn sử dụng) của Georges Perec đi, cậu sẽ thích đấy". Tôi nghe lời cô ấy.

La vie mode d'emploi tuyệt vời ở chỗ đây là tiểu thuyết dưới dạng một tòa nhà. Mỗi chương là một căn phòng: có thể nói ở chương này bạn đang ở phòng của Madame Moreau, chương tiếp theo bạn sẽ ở phòng tắm nhà Plassaert.

Tôi đã dành nhiều tuần sống trong tòa nhà đó, chia sẻ cuộc sống của những cư dân nơi ấy, những niềm vui nhỏ bé và bi kịch của họ, tập trung vào mọi đồ vật, mọi chi tiết của thế giới đời thường mà Perec nâng tầm thành văn học. La vie mode d'emploi là một cuốn tiểu thuyết thế giới, một Nghìn lẻ một đêm thời hiện đại, loại sách mà ta sẽ mang đến hoang đảo. Tôi ngay lập tức cảm thấy kết nối với Perec và kể từ đó, ông đã trở thành tri kỷ của tôi.

Georges Perec nổi tiếng với việc quan tâm đến cái thường nhật, những điều nhỏ bé, "infra-ordinaire" (cái bên dưới bình thường). Nghiên cứu Perec có thay đổi cách anh quan sát cuộc sống xung quanh và đọc chính cuộc sống của mình không?

Đúng thế, tôi nghĩ khám phá Perec luôn song hành với sự thay đổi trong cách ta nhìn cuộc sống đời thường. Như thể Perec đang bảo bạn đừng nhìn đi chỗ khác quá nhanh, hãy ở lại lâu hơn một chút, hãy quan sát cho đến khi điều hiển nhiên không còn hiển nhiên nữa.

Như chính ông đã viết: "Hãy đặt câu hỏi về những điều có vẻ hiển nhiên đến nỗi chúng ta đã quên mất nguồn gốc của nó, những điều thường không được chú ý, những điều không được chú ý, những điều có vẻ không quan trọng; những điều xảy ra khi không có gì xảy ra".

Ông đã làm vậy rất xuất sắc trong những cuốn như Les Choses (Đồ vật) hoặc trong Tentative d'épuisement d'un lieu parisien (Nỗ lực khám phá hết những địa danh ở Paris). Với ông, một tấm thảm đơn giản có thể thú vị hơn nhiều một bức tượng.

Hơn nữa, cái bên dưới bình thường không chỉ áp dụng cho vật thể hoặc không gian: nó còn là đạo đức của việc đọc. Đọc mời gọi ta dừng lại và suy ngẫm về cuộc sống thường ngày, khuyến khích ta cũng làm như thế với từ ngữ: đừng coi chúng chỉ là vỏ rỗng, mà hãy để chúng không thôi khiến ta ngạc nhiên.

Lời đề từ cho cuốn La vie mode d'emploi là một câu trích dẫn tuyệt đẹp của Jules Verne: "Regarde de tous tes yeux, regarde." (Mở to mắt ra mà xem.) Có lẽ đó là lời khuyên tuyệt vời rất Perec. Và tôi, 20 năm sau, vẫn nghĩ về câu nói đó khi tôi đợi xe buýt, dạo bộ trong thành phố, hoặc mở một cuốn sách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận