TTCT - Khèn là biểu tượng văn hóa người Mông, giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng cũng như đời sống tâm linh, tín ngưỡng của bà con. Các nghệ nhân chế tác khèn - Ảnh: T.L.M.H. Nghe và xem múa khèn là một trải nghiệm thú vị khi du lịch đến vùng cao này… Từ truyền thuyết đến thực tại Truyện cổ dân tộc Mông kể lại rằng: Xưa kia trên vùng núi cao có hai vợ chồng lần lượt sinh được sáu cậu con trai, ai cũng giỏi giang, khỏe mạnh, hòa thuận và đều có biệt tài thổi sáo trúc. Ngày kia cha mẹ mất đi, vì nhớ thương, sáu anh em khóc thảm thiết suốt chín ngày, chín đêm đến độ tắt cả giọng nói nên mỗi người phải dùng ống trúc để thổi thay cho tiếng khóc. Sự hiếu thảo của anh em nhà họ động đến trời cao khiến thần núi hiện lên mách bảo: “Các con hãy làm một bầu hơi và chèn sáu ống trúc vào đó. Chỉ cần mỗi người thay nhau thổi thì tức khắc sáu ống đều than khóc...”. Cây khèn ra đời từ đó. Khèn là người bạn đường của các chàng trai khi xuống chợ phiên, lúc lên nương... Bất cứ lúc vui, khi buồn là họ mang ra thổi, nó cũng là khúc tâm tình thay lời muốn nói gửi tới người thương. Thế nên nhờ làn điệu đậm chất núi rừng ấy, biết bao cặp trai gái đã nên duyên chồng vợ. Có lẽ ai đã từng tham dự phiên chợ vùng cao đầy màu sắc rực rỡ từ váy áo thổ cẩm đều dễ bắt gặp giữa không gian ồn ào người qua lại, từng nhóm con trai ngồi bên góc chợ thổi khèn hoặc hòa âm cùng với kèn pí lè, một loại kèn của người Mông, như những nghệ sĩ đường phố. Nhưng đừng hiểu nhầm, họ biểu diễn chỉ để giao lưu hoặc thể hiện tài nghệ, vậy thôi. Lên miền sơn cước vào những dịp lễ tết, hoặc hội sài sán (đi chơi núi đầu xuân), hội thi khèn mừng xuân, khách miền xuôi sẽ không tránh khỏi bâng khuâng khi nghe tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng. Cùng với phần diễn tấu tạo ra âm sắc lúc dìu dặt, trữ tình, lúc vui tươi, dũng mãnh, họ phải kết hợp thực hiện những điệu múa đẹp mắt, tài hoa. Nhưng khó nhất là múa đôi và tập thể, thường là nam thì thổi khèn, còn các cô gái xinh đẹp trong bộ trang phục dân tộc, tay cầm ô, đôi bên phải múa đồng bộ, đối xứng, nhịp nhàng, từ bước nhảy đá gót, vờn hoặc lượn, quay tại chỗ, quay đổi chỗ một cách điêu luyện, tiếng khèn không ngắt quãng, tắt tiếng, lạc nhịp. Đôi trai gái cùng múa, cùng thổi khèn, được xem là trường hợp hiếm hoi, đáng quý - Ảnh: T.L.M.H. Ước ao một sản phẩm du lịch Để chế tác được một chiếc khèn đẹp phải bỏ ra nhiều công sức. Trước tiên cần tìm gỗ pơ mu, nghiến hoặc cây xoan độ dài tầm cánh tay rồi sấy khô đề phòng chất liệu bị vênh, nứt... khiến âm thanh của khèn không được trong trẻo. Sau đó tạc gỗ và bào trơn tru thành thân khèn gồm hai phần: ống thổi và bầu khèn. Tiếp tục bổ đôi, khoét rỗng bầu khèn, đồng thời xẻ đường chỉ thông suốt với miệng ống thổi. Cuối cùng ghép trở lại và dùng vỏ cây mỏng cột thật chặt, thật khít để giữ cố định sau và cũng là trang trí cho cây khèn thêm trang nhã. Qua phần cấu tạo ống khèn, người ta cắt sáu ống trúc dày, săn chắc có độ dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ống trúc còn được lắp đặt lưỡi gà bằng đồng lá cắt mỏng và khoét một lỗ để sau này dùng ngón tay bấm điều chỉnh âm điệu, trầm bổng của khèn. Cái khó nhất là khâu dùng dao dùi bầu khèn và chèn sáu ống trúc xuyên qua sao cho đoạn có lưỡi gà nằm gọn phía trong. Chính nhờ vậy mà khi thổi vào hay hít ra tất cả ống trúc cùng lúc phát ra nhiều thanh âm, nhiều bè khi cao vút như cánh chim vụt lên trời xanh, lúc êm ả, dìu dặt tựa dòng suối chảy thì thầm. Những điều ấy đã làm nên nét riêng biệt và ngấm sâu vào máu thịt người Mông. Tiếng khèn, điệu múa của người Mông đã trở thành một tiết mục không thể thiếu cho du khách đến đây. Nhưng quả thật, ở một số ngày hội, nhìn vào cách thức tổ chức vẫn thấy còn thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là nơi biểu diễn và không khí khiến người xem thấy gượng ép. Đôi khi nghệ sĩ biểu diễn cũng tạo cho người xem cảm giác “làm cho xong”. Có lẽ diễn nhiều quá nên mệt? Một điều nữa, cây khèn quả là một tác phẩm nghệ thuật và là một món quà lưu niệm thú vị nếu như nó được biến hóa một chút cho tiện việc đem đi xa... Tại sao ở mỗi phiên chợ phiên, không tổ chức một không gian cho nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân chế tác tại chỗ? Làm được như vậy, có lẽ tiếng khèn sẽ vang xa hơn... Tags: Cuộc thi viết “Tận hưởng bản sắc Việt”
Làn khói đen ở Nhà nguyện Sistine, chưa có Giáo hoàng mới UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Sau lần bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng đầu tiên, làn khói đen vừa xuất hiện tại ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine vào lúc 21h tối 7-5 (tức 2h sáng 8-5 theo giờ Việt Nam).
Tin tức sáng 8-5: Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp; Gần 50% người Việt bị cholesterol máu cao THÀNH CHUNG 08/05/2025 Tin tức đáng chú ý: Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 65% bình quân tiền lương; Doanh thu kinh doanh địa ốc đạt gần 100.000 tỉ đồng; Gần nửa dân số Việt Nam bị cholesterol máu cao...
Dạy 2 buổi/ngày không thu phí: Chờ sớm có hướng dẫn VĨNH HÀ 08/05/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đã thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.
Tin tức thế giới 8-5: Ông Trump đề nghị giúp Ấn Độ và Pakistan; Nguy cơ hủy diệt ở Gaza BÌNH AN 08/05/2025 Fed tiếp tục tạm dừng cắt giảm lãi suất và cảnh báo rủi ro về lạm phát, thất nghiệp; Ông Trump cho rằng công lao của Mỹ rất lớn thời Thế chiến 2.