TTCT - Từ tháng 10-2013, chương trình Photovoice (Tiếng nói từ nhiếp ảnh) do Isee (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam Việt Nam đã đến với các em học sinh dân tộc thiểu số Chăm, Raglai, M’Nông, Mông ở các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Nông, Lào Cai. Em ấy tên là Thủy, mới 4 tuổi nhưng cũng rất nghịch ngợm. Em ấy lấy vỏ kẹo cho vào chậu nước nên mới có màu ấy. Nhưng thế này là mất vệ sinh rồi. Nhưng khi chụp xong em bảo em ấy đừng nghịch nữa thì em ấy cũng rất nghe lời. (Lừu Seo Sềnh, sắc tộc Mông - Trường PTDT bán trú tiểu học xã Mản Thần, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) Hoạt động của chương trình là giao máy ảnh để các em chủ động kể lại những câu chuyện thông qua các bức ảnh ghi lại cuộc sống xung quanh mình. Đã có hàng ngàn bức ảnh được các em sáng tác. Trong đó, có 120 bức ảnh (mỗi bức ảnh là một câu chuyện) được chọn để triển lãm “Tớ kể bạn nghe” tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội vừa rồi. Anh Nguyễn Trường Giang, người trực tiếp giảng dạy các em chụp ảnh, tâm sự: “Điều chúng tôi mang lại cho các em là sự tự tin, tự chủ. Trước đây, các em nghĩ cầm máy ảnh để kể một câu chuyện là điều gì đó xa xôi, là công việc của nhà báo, nhiếp ảnh gia. Nhưng bây giờ các em cũng làm được”. Những câu chuyện mộc mạc, chân phương về trường lớp, bạn bè, người thân… phản chiếu qua cách nhìn của các em luôn ẩn giấu những điều thú vị và mang lại thành công cho chương trình. TTCT xin giới thiệu vài bức ảnh - chuyện kể này. Đây là bức ảnh em chụp các bạn và bác nghệ nhân Ma Hân khi họ tập chiêng chuẩn bị đi thi ở tỉnh Đắk Lắk… Em vui vì con cháu M’Nông giữ được truyền thống văn hóa và đi ra thế giới nữa. (H’Hoa, sắc tộc M’Nông - Trường tiểu học Lê Văn Tám, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) Đây là anh rể em, Ma Châu, năm nay 35 tuổi. Em thấy bao mì rất nặng, nếu để em vác chắc em xỉu luôn, vì một bao là 80 ký. Làm mì cũng mệt, khi anh vác em thấy mồ hôi anh chảy ròng ròng... (H’Íp, sắc tộc M’Nông - Trường PTCS Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đăk Nông) Em chụp anh hàng xóm cắt tóc cho bố em. Em muốn kể cho mọi người biết là nông dân không có tiền hớt tóc, phải tự cắt tóc cho nhau. (Giàng Seo Pháo, sắc tộc Mông - Trường PTDT bán trú tiểu học xã Mản Thần, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) Sắp đến tết mẹ em hay may áo, may váy cho người thân. Vải mẹ mua ở chợ nhưng hoa văn phải làm bằng tay, mất 7-8 tháng. Em cũng nói với mẹ là cho con học may nhưng mẹ nói em học bài đi. Em mà được học, em tin sẽ may đẹp hơn mẹ. (Vàng Thị Mào, sắc tộc Mông - Trường PTDT bán trú tiểu học xã Mản Thần, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) Em chụp bức ảnh các bạn đang bắt cá trong ruộng. Các bạn rủ đi chứ không phải bố mẹ bắt đi. Nếu quần áo có bẩn, bố mẹ cũng không mắng. Bữa cá này đem về mẹ nấu hay bố nướng cũng được. (Lừu Seo Sềnh, sắc tộc Mông - Trường PTDT bán trú tiểu học xã Mản Thần, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) Em chụp mẹ và cháu đang lựa lá bép. Canh lá bép nấu với đọt mây, thịt, bội và làm lẩu là món ăn truyền thống của người M’Nông ăn rất ngon. Cả nhà em ai cũng biết hái lá bép trong rừng. (H’Íp, sắc tộc M’Nông - Trường PTCS Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông) Tên ông thì em không biết, vì theo tục lệ người M’Nông phận cháu không được gọi tên ông. Ông đan gùi, chưa tới hai ngày đã xong một cái, bán được 100.000 đồng/cái tùy to hay nhỏ. Ông của em cũng làm nghề này nuôi em ăn học. (H’Điệp, sắc tộc M’Nông - Trường THCS Lê Văn Tám, huyện Krông Nô, Đắk Nông) Tags: Lào CaiTrẻ emPhotovoiceTiếng nói từ nhiếp ảnhOxfam Việt Nam
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Sân bay Belarus rực rỡ quốc kỳ chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm DUY LINH 11/05/2025 Chiều 11-5, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Nga, hướng tới Belarus cho chuyến thăm cấp nhà nước.
Một học sinh lớp 12 nhận điện thoại lừa ra khỏi nhà, yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu TIẾN NGUYỄN 11/05/2025 Công an Quảng Ninh đã ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo gia đình học sinh lớp 12 số tiền 250 triệu đồng.
Sau hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có cơ sở 2 ở Kon Tum? TRẦN MAI 11/05/2025 Với địa hình đồi núi, khoảng cách giữa TP Kon Tum và TP Quảng Ngãi hiện nay lên đến 200km. Ban Thường vụ 2 tỉnh cơ bản thống nhất thành lập cơ sở 2 của tỉnh Quảng Ngãi mới ở TP Kon Tum để thuận tiện điều hành.
Hình ảnh san lấp chóng vánh đất nông nghiệp được giao, mở cả đường dưới chân cầu QUANG THẾ 11/05/2025 Khu đất nông nghiệp dưới chân cầu Nhật Tân được giao cho các hộ dân ở xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) theo nghị định 64 của Chính phủ, đã bị san lấp chóng vánh.