TTCT - Giữa thời biến đổi khí hậu, mơ ước chạm vào tuyết của khách du lịch có khi còn mong manh hơn hoa tuyết. Ảnh minh họa: FotoJet"Du khách Trung Quốc chi 10.000 tệ để xúc tuyết ở Nhật Bản, và bà con địa phương cười như điên" - một trang mạng Trung Quốc giật tít tự trào về xu hướng nghỉ mát mới của bà con ở nhà: tới các xứ tuyết như Hokkaido, Nagano và Niigata ở Nhật để thỏa giấc mơ tuyết trắng.Nếu gọi chuyện săn tuyết là một cơn sốt thì xứ Phù Tang đã làm tốt chuyện "hạ sốt", nhưng tác dụng phụ là "gây viêm", cụ thể là viêm màng túi. Cái giá 1 vạn tệ (hơn 35 triệu VND) là gói cao cấp - du khách (thường là tới từ các vùng không biết tuyết là chi ở Trung Quốc) sẽ được leo lên xe cày tuyết chuyên nghiệp, dọn cho thông thoáng những mặt đường tuyết phủ, ở cái lạnh âm 10°C. Ít rủng rỉnh hơn thì trả 500 đến 2.500 nhân dân tệ để "được" tự tay dọn tuyết cho dân địa phương. Trang Sohu nói "bà con địa phương cười như điên" là vậy.Nghe tréo ngoeo nhưng chủ khách đều vui. Người dân địa phương phấn khởi vì vừa sạch tuyết vừa có tiền, còn các blogger du lịch bên Trung thì chia sẻ video họ đang xúc tuyết ở Nhật, reo lên "thật thư giãn". "[Du khách Trung Quốc] muốn trải nghiệm sâu sắc cuộc sống thường ngày của xứ sở tuyết trắng" - kênh truyền hình TBS (Nhật) bình luận. Những hoạt động "nhẹ đô" hơn gồm có: ngồi quanh đống lửa truyền thống và thưởng thức lẩu Nhật, tự làm nhà tuyết, câu cá bằng cách đào lỗ trên băng… Rộng hơn, xu hướng du lịch mới lạ này góp phần phục hồi ngành du lịch Nhật Bản vốn bị suy thoái vì đại dịch.Cũng bỏ tiền đi ngắm tuyết rơi cho biết, nhưng những người tìm tới một điểm du lịch tự xưng là "xứ sở thần tiên mùa đông" ở ngoại ô Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) chẳng thấy tuyết mà chỉ thấy tiếc, thậm chí tức vì thứ trắng xóa trên những mái nhà kia chỉ là bông gòn, bọt xà bông và drap trải giường, theo CNN.Làng tuyết giả ở Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Alert-RedNoteNói cho ngay, đây không phải là lừa đảo có tổ chức. "Có chăng thì trách ông trời" - đơn vị chủ trì làng tuyết phân trần, sau khi xin lỗi trên mạng xã hội. "Mấy năm trước, chúng tôi vẫn có tuyết vào mùa đông, thành ra mới dựng lên điểm chụp ảnh này chờ ngày tuyết đến. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không hợp tác và không có tuyết rơi" - một nhân viên nói thêm với Thời báo Hoàn Cầu.Nhà tổ chức cam kết hoàn tiền cho những du khách không hài lòng (thật ra làm gì có ai không sôi máu). Nhưng nếu ai ai cũng hiểu cho rằng 2024 là năm ấm nhất được ghi nhận ở Trung Quốc (theo Cục Khí tượng của nước này), và cũng là kỷ lục của toàn cầu (theo Tổ chức Khí tượng thế giới), thì giải pháp của làng tuyết Thành Đô có khi dễ trở thành mô hình kiểu mẫu.Khắp thế giới, nhiều địa điểm du lịch phụ thuộc vào tuyết đang phải vật lộn với nhiệt độ gia tăng do biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như thung lũng Kaghan ở Pakistan, từng nổi danh theo kiểu "băng trên đỉnh núi không bao giờ tan chảy, ngay cả trong tháng 6", giờ đây chẳng có lấy tuyết rơi giữa tháng 2, giữa mùa đông.Giáo sư Muhammad Rafique của Degree College Balakot (Pakistan) nói với báo The Express Tribune, lượng tuyết rơi ở các vùng núi đang giảm. Thủ phạm đầu tiên chính là biến đổi khí hậu, khiến nhiệt độ Trái đất gia tăng, sông băng đang tan chảy và mùa đông thì ngắn lại. Kế đến là nạn phá rừng ở các vùng núi, tác động trực tiếp đến điều kiện thời tiết tại địa phương. Một lý do khác là các hiện tượng tự nhiên như El Niño và La Niña có thể ảnh hưởng đến khí hậu. Các điểm đến mùa đông khác trên toàn cầu, chẳng hạn như Thụy Sĩ, Canada và Scandinavia, cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự.Thậm chí, Hokkaido của Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ: nhiệt độ toàn cầu tăng cao đã dẫn đến tình trạng tuyết rơi không đều, gây khó khăn cho việc thu thập và duy trì lượng tuyết lớn cần thiết cho Lễ hội tuyết Sapporo, một trong những sự kiện mùa đông nổi tiếng nhất thế giới. Với lễ hội năm nay, từ 4 đến 11-2-2025, ban tổ chức đã tích hợp năng lượng hydro và lắp đặt pin mặt trời nhằm giảm lượng khí thải carbon. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì tuổi thọ của các tác phẩm điêu khắc tuyết, mà còn trở thành mô hình du lịch bền vững cho các lễ hội mùa đông trên toàn cầu.Với người dân ở nông thôn Hokkaido bao đời nay, yukikaki (xúc tuyết, dọn tuyết) đã lên tầm nghệ thuật, vừa đầy vừa đủ, không "quá mức" như ở các thành phố lớn. Theo bài blog năm 2022 của Lynn Ng trên trang web Freie Universität Berlin (Đại học Tự do Berlin, Đức), các Dosanko (biệt danh của người dân Hokkaido) tự hào nói rằng yukikaki là một phương tiện thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp và truyền đạt tính kỷ luật cho trẻ em.Không biết người Nhật có gửi gắm thông điệp nào vào loại hình du lịch "xúc tuyết" kể trên không. Chắc chắn một điều, công cuộc chống biến đổi khí hậu của nhân loại sẽ cần rất nhiều đạo đức và kỷ luật, ở cấp độ tổ chức lẫn cấp độ cá nhân, để đảm bảo nhiều năm về sau, ta vẫn còn tuyết để mà xúc. Hoặc những ngôi làng tuyết giả sẽ lên ngôi, dẫu sao ta cũng chụp được những pô ảnh tuyết trắng, để khoe với con cháu về những mùa đông thần tiên trong ký ức. (Kịch bản trẻ em chỉ biết "tuyết" là thế thì đen tối quá, thật không dám nghĩ tới) Tags: Biến đổi khí hậuMùa ĐôngMùa đông không lạnhTrung quốcDu khách Trung Quốc
Làn khói đen ở Nhà nguyện Sistine, chưa có Giáo hoàng mới UYÊN PHƯƠNG 08/05/2025 Sau lần bỏ phiếu bầu chọn Giáo hoàng đầu tiên, làn khói đen vừa xuất hiện tại ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine vào lúc 21h tối 7-5 (tức 2h sáng 8-5 theo giờ Việt Nam).
Chủ tịch Quốc hội: Ai là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND cấp xã, bố trí cán bộ là việc khó THÀNH CHUNG 07/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính thì dễ, nhưng việc chọn, bố trí cán bộ mới khó.
Mật nghị hồng y 2025 bắt đầu: Lời thề thinh lặng trong nhà nguyện Sistine UYÊN PHƯƠNG 07/05/2025 16h30 chiều 7-5 (21h30 giờ Việt Nam), 133 vị hồng y cử tri chính thức bước vào mật nghị hồng y năm 2025, bầu chọn ra Giáo hoàng.
Khởi tố vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở Vĩnh Long tử vong CHÍ HẠNH 07/05/2025 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi ở huyện Trà Ôn tử vong.